Trung tâm gốm Bát Tràng: Giải Vàng Giải thưởng Kiến trúc Quốc Gia 2022 – 2023

Nguyễn Trung Thành
Đi từ trục đường chính vào làng Bát Tràng chạy song song kênh Bắc Hưng Hải, du khách có thể nhìn thấy Trung tâm Gốm Bát Tràng – Điểm nhấn văn hóa mới của làng nghề với kiến trúc ấn tượng, mới mẻ sáng tạo nhưng đậm chất truyền thống.

Công trình nằm tại thôn 5, làng cổ Bát Tràng, huyện Gia Lâm, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km. Lấy cảm hứng từ hình ảnh bàn xoay thủ công, hình khối công trình là 7 bàn xoay gốm với những đường cong mềm mại, gợi đến quá trình người thợ chuốt khối đất sét cùng bàn tay vuốt nặn tài tình.

Kiến trúc công trình mang những đường nét tinh tế lặp đi lặp lại cho thấy đặc trưng văn hóa Bát Tràng, lại tựa như nhắc đến dòng chảy lịch sử hàng nghìn năm của làng nghề truyền thống. Công trình cũng tận dụng tối đa những nguyên liệu cổ của làng như gạch gốm cổ truyền, gạch men mosaic và ngói nung… để tạo nên màu sắc chân thực nhất.

Là một làng nghề truyền thống cả nghìn năm tuổi, sản xuất gốm Bát Tràng hôm nay vẫn phát triển với quy mô ngày càng lớn. Tuy nhiên, xu hướng thương mại hóa thiếu kiểm soát đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm, hình ảnh thương hiệu và cả truyền thống văn hóa của làng nghề gốm sứ từng nổi tiếng một thời. Điều này đòi hỏi một không gian nghiên cứu, phát triển văn hóa, nếp sinh hoạt, sản xuất, một nơi lưu giữ những giá trị truyền thống và phát triển gốm trong thời kỳ mới, tôn vinh sáng tạo, tài hoa của những nghệ nhân gốm Việt. Và công trình Trung tâm Gốm Bát Tràng được ra đời.

Trung tâm Gốm Bát Tràng là nơi trưng bày các sản phẩm tinh hoa của làng gốm, nơi trải nghiệm, kết nối khách du lịch với các nghệ nhân, thợ gốm Bát Tràng thông qua các lớp học chuyên biệt về nghề gốm, nơi biểu diễn nghệ thuật dân gian truyền thống… Công trình sẽ là “cầu nối” đưa những tinh hoa văn hóa làng nghề tới du khách trong và ngoài nước; đồng thời, là nơi truyền lửa cho thế hệ tiếp theo của Bát Tràng duy trì và phát triển bền vững nghề gốm.

Công trình Trung tâm Gốm Bát Tràng đã được “thai nghén” trong nhiều năm và hướng tới mục tiêu trở thành một trung tâm hoạt động vì cộng đồng với tiêu chí bền vững. Bên cạnh quá trình thiết kế, giải pháp vật liệu và giao thông trong công trình, góp phần lưu giữ, phát triển nét đẹp làng nghề và gắn kết không gian văn hóa truyền thống với du lịch sáng tạo là câu chuyện mà các kiến trúc sư và chủ đầu tư trăn trở.

Hội đồng giám khảo đánh giá:

“Khu đất nhỏ, quy mô công trình không lớn, xung quanh mật độ dày…Công trình đã có một nghiên cứu, tổ chức không gian lý thú tạo ra một hình ảnh kiến trúc nổi bật nâng thêm giá trị cho làng gốm Bát Tràng. Thành công nhất là mọi người nhìn ra chất bảo tàng và chất gốm của công trình, với cảm hứng từ các bàn xoay làm gốm, màu đỏ của đất, cùng với tư duy sáng tạo, thao tác nghề nghiệp có bản lĩnh, kiến trúc sư đã tạo ra một công trình có ấn tượng tốt, hấp dẫn với công chúng. Thiết kế linh hoạt: giải phóng tối đa tầng 1 thành không gian gặp gỡ rộng rãi, gắn kết các chức năng sử dụng, mạch lạc về giao thông. Công trình đạt được tính đồng thuận, thỏa mãn mục tiêu xây dựng của dự án”.