Nghệ nhân phục dựng di sản gốm hoa nâu ngàn năm của người Việt

Nguyễn Trung Thành
Nghệ nhân ưu tú Phạm Đạt cùng các cộng sự vừa ra mắt Trung tâm “Ngàn năm gốm Việt”, mong mỏi phục hồi di sản gốm hoa nâu ngàn năm của người Việt, đồng thời kiến tạo nên các bộ quà tặng độc bản, các đồ gia bảo để lưu lại cho thế hệ sau.

Gốm hoa nâu thuộc loại sành xốp dày, xương gốm thô và nặng xuất hiện ở thời Lý, phát triển rực rỡ nhất dưới thời Trần. Đa số hoa văn trên gốm hoa nâu được tạo bằng kỹ thuật cạo xương gốm khi mới phủ men nền. Người thợ gốm sau đó dùng bút lông vẽ hoa văn màu nâu trên phần đã được cạo hoặc vẽ hoa văn lên sản phẩm trên nền men rồi mới mới đi nung.

Các nhà nghiên cứu đánh giá cao loại gốm hoa nâu, bởi đây là dòng gốm cổ Việt Nam riêng biệt, không trộn lẫn với bất cứ dòng gốm nào khác trên thế giới. Nhiều di vật được tìm thấy và được công nhận Bảo vật quốc gia.

Đó là lý do để những người yêu di sản gốm Việt ra mắt Trung tâm Ngàn năm gốm Việt tại số 10, Đường chợ Gốm, Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội. Đây là tâm huyết của nghệ nhân ưu tú Phạm Đạt, Chủ tịch Ngàn năm gốm Việt, đạo diễn Hoàng Công Cường - Phó Chủ tịch và các đồng sáng lập khác.

Nghệ nhân phục dựng di sản gốm hoa nâu ngàn năm của người Việt ảnh 1

Các nhà sáng lập mong mỏi phục hồi di sản gốm hoa nâu, chế tạo ra những bộ sản phẩm để xuất khẩu văn hóa Việt.

Nghệ nhân ưu tú Phạm Đạt nói rằng, luôn mong mỏi phục hồi di sản gốm hoa nâu ngàn năm của người Việt, đồng thời kiến tạo nên các bộ quà tặng độc bản, các đồ gia bảo để lưu lại cho đời sau.

“Mỗi một sản phẩm được ra đời là một công trình về văn hóa, một biểu tượng của lịch sử và thời gian, những dấu ấn của các cá nhân sẽ được hiện thực hóa trong các sản phẩm của Trung tâm Ngàn năm gốm Việt”, nghệ nhân chia sẻ.

Nghệ nhân Phạm Đạt cho biết, Trung tâm Ngàn năm gốm Việt đã và đang nghiên cứu, chế tác nhằm tiến tới khôi phục lại dòng gốm hoa nâu, một dòng gốm thuần Việt được chế tác và phát triển rực rỡ dưới thời Lý - Trần, với mong ước đưa những sản phẩm gốm hoa nâu này trưng bày trong các không gian đương đại, cũng như trở thành những quà tặng văn hóa của quốc gia.

Nghệ nhân phục dựng di sản gốm hoa nâu ngàn năm của người Việt ảnh 2

Trung tâm Ngàn năm gốm Việt là nơi trưng bày, giới thiệu những sản phẩm tinh xảo.

“Những sản phẩm gốm hoa nâu độc bản, mang đậm bản sắc thuần Việt và khơi gợi về một ký ức vàng son của văn minh Đại Việt sẽ được những người yêu văn hóa Việt sử dụng làm vật phẩm quà tặng trong những dịp quan trọng như nghi lễ đối nội, đối ngoại trong nước và quốc tế. Du khách quốc tế sẽ được chạm tay vào các tác phẩm gốm hoa nâu độc bản được chế tác khéo léo, tỉ mỉ bởi bàn tay của các nghệ nhân Bát Tràng”, CEO Nguyễn Trung Thành nói.

Ngôi nhà chung Ngàn năm gốm Việt này là điểm hẹn của người yêu gốm, những nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và đặc biệt là những người sưu tầm trong lĩnh vực gốm và nghệ thuật thủ công. Các chuyên gia, nghệ nhân và khách hàng cùng nhau thảo luận, cùng nhau sáng tạo ra những mẫu sản phẩm độc bản, sáng tạo nên những câu chuyện, đặc biệt là tạo ra những bộ sưu tập có giá trị.

Nghệ nhân phục dựng di sản gốm hoa nâu ngàn năm của người Việt ảnh 3

Những sản phẩm được phục dựng từ di sản gốm hoa nâu từ thời Lý - Trần.

Đạo diễn Hoàng Công Cường cho biết, anh và các cộng sự Ngàn năm gốm Việt muốn nâng tầm gốm Việt, đặc biệt là sản phẩm của Bát Tràng, bằng cách đưa những sản phẩm tinh xảo này đi ra thế giới.

“Mỗi sản phẩm gốm của chúng tôi đều độc bản, mang câu chuyện riêng của mỗi cá nhân, được đắp thêm tâm huyết, sự tinh xảo của những bàn tay thợ thủ công”, Hoàng Công Cường nói.

Mong ước lớn nhất của các nghệ nhân và người thực hiện là đưa gốm Việt ra thế giới, sánh ngang với những thương hiệu xa xỉ của các quốc gia trên thế giới. Dịp này, những người sáng lập cho ra đời bộ sưu tập độc bản Long Phi vận hội đã được giới thiệu đến những người yêu gốm Việt với 100 sản phẩm độc bản điêu khắc rồng trên gốm.

Một số sản phẩm gốm hoa nâu là bảo vật quốc gia

Trong số các bảo vật quốc gia được công nhận, nhiều sản phẩm gốm hoa nâu độc đáo. Có thể kể tới Thạp gốm hoa nâu thời Trần hình trụ, cao 33cm, có phần mô tả rất kỹ hình vẽ hổ. Bảo vật này được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Ninh, nhiều lớp hoa văn trang trí khác nhau hàm chứa ý niệm văn hóa đặc sắc thời Trần.

Nghệ nhân phục dựng di sản gốm hoa nâu ngàn năm của người Việt ảnh 4

Bảo vật quốc gia - gốm hoa nâu thời Trần.

Thống gốm hoa nâu được tìm thấy tại khu di tích lịch sử đền Trần ở Nam Định vào năm 1972, được công nhận bảo vật quốc gia năm 2016, được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.