Tăng trải nghiệm cho du khách
Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2022, diễn ra từ ngày 11/11/2022 - 18/11/2022, chiều 18/11/2022, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội (HPA) chủ trì tổ chức Tọa đàm “Chuyển đổi số và thiết kế để phát triển du lịch làng nghề”.
Ông Nguyễn Trung Thành kêu gọi mỗi làng nghề đầu tư xây dựng một trung tâm thương mại làng nghề phục vụ du khách. (Ảnh: Hồ Hạ) |
Tại Tọa đàm, các chuyên gia đã thảo luận nhằm đưa ra những giải pháp chuyển đổi số và thiết kế để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nâng cao sức cạnh tranh, hướng tới xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số và thiết kế để phát triển du lịch làng nghề Hà Nội bền vững.
Chia sẻ kinh nghiệm gia tăng trải nghiệm cho du khách tại doanh nghiệp nói riêng, làng Bát Tràng nói chung, ông Nguyễn Trung Thành, Phó chủ tịch Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt cho biết, Bát Tràng có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.
Đơn cử, Bát Tràng có ẩm thực cỗ tiến vua nổi tiếng. Hiện nhà hàng của Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt và nhiều gia đình ở làng đã làm những mâm cỗ theo phương thức truyền thống để phục vụ du khách.
Bên cạnh đó, Bát Tràng nhiều điểm đến hấp dẫn để du khách trải nghiệm nghề gốm như Lò bầu cổ, Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt, Đình làng Bát Tràng, Văn chỉ, Nhà cổ…
Đặc biệt, nhiều hộ kinh doanh ở Bát Tràng đã và đang có sự dịch chuyển không gian bán hàng sang làm không gian phục vụ du khách. Đồng thời, hướng đến sản xuất những mặt hàng nhỏ gọn, tinh tế để du khách có thể dễ dàng mang về theo đường hàng không.
Cũng theo ông Thành, sắp tới, làng Bát Tràng khuyến khích các gia đình, hộ kinh doanh treo hoa theo mùa ở trước nhà, để ngoài gốm, du khách đến Bát Tràng sẽ được thưởng lãm, check-in với không gian xanh mát, rực rỡ của các loài hoa.
Làng Bát Tràng cũng hướng đến trang trí cảnh quan theo không khí lễ hội, dần dần các ngôi nhà sẽ sơn cùng một màu đồng bộ, để nơi đây không chỉ là làng nghề sản xuất mà còn thực sự trở thành ngôi làng du lịch nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội, của Việt Nam và thế giới.
Chia sẻ về những khó khăn trong phát triển du lịch làng nghề tại Bát Tràng, ông Thành cho biết, hiện giao thông tại làng chưa phát triển đồng bộ. Mặc dù đã được chính quyền quan tâm nhưng chưa được đầu tư xứng tầm về giao thông, môi trường, quảng bá, quy hoạch…
Đặc biệt, nhân sự nghiên cứu và phát triển sản phẩm đang là thách thức lớn tại Bát Tràng. Hiện tượng sử dụng mẫu sản phẩm của nhau vẫn tồn tại.
“Việc nghiên cứu sản phẩm mới, nhất là các sản phẩm phục vụ du lịch còn yếu và thiếu. Mặc dù thời gian qua, Thành phố Hà Nội, các sở, ngành đã tổ chức nhiều cuộc thi thiết kế sản phẩm, nhưng những sản phẩm ưu Việt phục vụ du lịch còn rất ít”, ông Thành cho hay.
Do đó, ông Thành đề xuất Thành phố Hà Nội tiếp tục duy trì các cuộc thi thiết kế sản phẩm phục vụ du lịch. Chính quyền địa phương quan tâm nghiên cứu quy hoạch đất đai, đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, cải tạo cảnh quan, môi trường đồng bộ hơn.
Đồng thời, kêu gọi mỗi làng đầu tư trung tâm thương mại làng nghề phục vụ du khách với những sản phẩm tốt nhất.
Đặc biệt, cần kêu gọi toàn dân, doanh nghiệp, các cấp chính quyền thúc đẩy chuyển đổi số, bởi đây là trụ cột thúc dẩy sự phát triển du lịch làng nghề.
“Tôi mong muốn Thành phố Hà Nội hỗ trợ các làng nghề tổ chức xúc tiến thương mại; để từ đó các doanh nghiệp có thể kết nối với du khách, tạo ra chuỗi giá trị xuyên suốt như các chương trình xúc tiến, quảng bá HPA đã và đang triển khai rất hiệu quả”, ông Thành nhấn mạnh.
Việc chuyển đổi số và thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ gắn với du lịch đóng vai trò là sứ giả truyền bá văn hóa cho Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung. (Ảnh: Hồ Hạ) |
8 lý do chủ chốt thúc đẩy chuyển đổi số
Trao đổi về chủ đề “Chuyển đổi số và thiết kế để phát triển du lịch làng nghề - Tiếp cận mang tính đột phá”, ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam nhấn mạnh: “Thiết kế là nền tảng để chuyển đổi số thành công. Chuyển đổi số mang đến những trải nghiệm khác biệt và rất thú vị trong mua sắm; Đồng thời, giảm những tác động tiêu cực. Vì vậy, ứng dụng chuyển đổi số sẽ tạo “đòn bẩy” cho phát triển du lịch làng nghề”.
Chuyên gia Lê Bá Ngọc cũng nêu 8 lý do chủ chốt cho thấy sự cần thiết phải chuyển đổi số cho du lịch làng nghề ở Thủ đô Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung gồm: Thứ nhất, để tiếp thị, thu hút du khách đến các điểm đến.
Chuyên gia Lê Bá Ngọc khẳng định, thiết kế là nền tảng để chuyển đổi số thành công. (Ảnh: Hồ Hạ) |
Thứ hai, làm quá trình chuẩn bị cho chuyến đi, di chuyển của du khách đơn giản hơn.
Thứ ba, làm cho trải nghiệm ở làng nghề thú vị hơn.
Thứ tư, nâng cao năng lực cho các nhân tố trong chuỗi và cung cấp chất lượng dịch vụ tốt hơn.
Thứ năm, tạo điều kiện thuận lợi để du khách mua sắm, tạo thu nhập và việc làm bền vững.
Thứ sáu, thích ứng với sự suy giảm khách du lịch do dịch bệnh.
Thứ bảy, phân tích hành vi khách hàng tốt hơn.
Và thứ tám, giảm thiếu các tác động tiêu cực của chính du khách như biến đổi văn hóa, tác động đến môi trường…
Theo Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh, Thủ đô Hà Nội từ lâu được biết đến là nơi hội tụ tinh hoa làng nghề Việt Nam. Việc chuyển đổi số và thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ gắn với du lịch đóng vai trò là sứ giả truyền bá văn hóa cho Thủ đô Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung với thế giới. Chính sự tinh xảo, tính thẩm mỹ và kỹ thuật điêu luyện được tích lũy trong mỗi sản phẩm sẽ khiến cho người nước ngoài cảm nhận được chiều sâu của văn hóa Hà Nội và Việt Nam.
Đặc biệt sau khi Hà Nội chính thức trở thành thành viên mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, vai trò chuyển đổi số và thiết kế để phát triển du lịch làng nghề càng trở nên quan trọng để đẩy nhanh quá trình đưa Hà Nội trở thành trung tâm hội tụ thiết kế và đổi mới, kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á.
Qua những chia sẻ tại Tọa đàm “Chuyển đổi số và thiết kế để phát triển du lịch làng nghề”, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nghệ nhân làng nghề… đã hình dung được những tiềm năng và cả thách thức để phát triển du lịch làng nghề.
Từ đó, tăng cường chuyển đổi số và thiết kế cũng như các hoạt động xúc tiến, quảng bá, đưa những giá trị tiêu biểu về nghệ thuật tại các làng nghề đến với người dân, đặc biệt là khách du lịch trong nước và quốc tế.