Bên cạnh đó, người Bát Tràng đang ấp ủ dự định đưa nơi đây trở thành điểm đến thú vị của du lịch làng nghề Việt Nam trong tương lai.
Từ trục đường chính vào làng Bát Tràng chạy song song theo kênh Bắc Hưng Hải, du khách có thể dễ dàng tìm thấy Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt nằm bên tay phải. Hướng ra sông Hồng - con sông gắn bó với tâm thức, cuộc sống của người dân Bát Tràng từ hàng nghìn đời nay, Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt có lối kiến trúc phá cách đầy ấn tượng. Nằm trong khuôn viên rộng 3.300m2, công trình gồm 7 khối kiến trúc được xây kiểu xoáy trôn ốc với những đường cong mềm mại như những bình gốm được hình thành dưới bàn tay vuốt nặn tài tình của người thợ trên bàn xoay thủ công.
Theo Giám đốc điều hành Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt Pham Thùy Dương: Công trình được thiết kế với hai chức năng chính là nơi trưng bày gia phả, hình ảnh, hiện vật về sự phát triển của 19 dòng họ ở Bát Tràng, và nơi trưng bày các sản phẩm tinh hoa của Làng gốm Bát Tràng cùng các làng nghề thủ công mỹ nghệ khác của cả nước. Bên cạnh các gian trưng bày, trung tâm còn có các khu chức năng dành cho các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch như phòng lưu trú, nhà hàng; nơi biểu diễn nghệ thuật dân gian truyền thống; khu trải nghiệm, kết nối khách du lịch với các nghệ nhân, thợ gốm Bát Tràng thông qua các lớp học chuyên biệt về nghề gốm như vuốt nặn, đổ rót, vẽ...
Không dừng ở đó, Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt còn hướng tới mục tiêu trở thành một trung tâm hoạt động vì cộng đồng với tiêu chí bền vững. Bà Phạm Thùy Dương cho biết: “Trung tâm sẽ là nơi người dân Bát Tràng tham gia các khóa đào tạo về chuyển đổi phương thức kinh doanh nhằm bắt kịp xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Người Bát Tràng từ xưa đến nay giỏi nghề, tâm huyết, năng động, tháo vát, nhưng với mục tiêu hướng tới cộng đồng, trung tâm sẽ giúp họ tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nghề; gia tăng cơ hội gặp gỡ khách hàng và cập nhật công nghệ hiện đại nhằm tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh”.
Bên cạnh không gian Tinh hoa làng nghề Việt, đến Bát Tràng, du khách còn gặp nhiều điều bất ngờ khi khám phá làng cổ hơn 700 năm. Tại đây, du khách có thể trải nghiệm con đường làng nhỏ xinh, có khi chỉ vừa 1 - 2 người đi. Một điểm đến thú vị nữa, du khách không nên bỏ qua trong hành trình tham quan là đến thăm lò bầu cổ duy nhất còn sót lại của Bát Tràng. Lò cổ này gồm có 5 bầu, có tuổi đời gần 100 năm. Trước kia, lò bầu này được dùng để nung gốm theo cách thức thủ công. Tuy nhiên, ngày nay, người Bát Tràng đã sử dụng kỹ thuật nung hiện đại để tránh gây ô nhiễm môi trường, lò bầu cổ được giữ lại để khách tham quan.
Trong làng gốm cổ, du khách cũng có thể khám phá nhiều ngôi nhà có kiến trúc đẹp, nay trở thành điểm tham quan, trưng bày gốm. Điển hình như ngôi nhà bằng gỗ của họa sĩ Mạnh Đức (con trai nhà văn Kim Lân) được thiết kế mô phỏng nhà dinh thự Vua Mèo (ở Hà Giang). Ngôi nhà có giếng trời lớn, xung quanh là các gian trưng bày.
Hiện tại, Công ty Lữ hành Hanoitourist và UBND xã Bát Tràng đang tổ chức, xây dựng lại sản phẩm du lịch tại Bát Tràng để tăng tính kết nối cho du khách cũng như xây dựng một trong trong những tuyến du lịch trung tâm của Hà Nội. Sản phẩm này sẽ được giới thiệu cho du khách trong nước và quốc tế, hướng đến dịp SEA Games 31 được tổ chức tại Hà Nội.
Lại Tấn
Link nội dung: https://nguyentrungthanh.org/trung-tam-tinh-hoa-lang-nghe-viet-voi-nhung-an-tuong-sau-sac-trong-long-khach-du-lich-a34.html