Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt gìn giữ nghề truyền thống làm gốm làng Bát Tràng

Vốn mệnh danh là Bảo tàng gốm Bát Tràng, Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt thuộc xã Bát Tràng (Gia Lâm - Hà Nội) không chỉ có kiến trúc độc đáo với hình bàn xoay gốm mà nơi đây còn là trung tâm nghệ thuật gốm sứ khi gìn giữ nghề truyền thống làm gốm làng Bát Tràng, không gian trưng bày và quảng bá hình ảnh gốm sứ Việt.

Làng gốm Bát Tràng là một trong những địa điểm du lịch khá thú vị và nổi tiếng ở khu vực miền Bắc không chỉ với người Việt mà ngay cả du khách nước ngoài khi đến Việt Nam.

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km, làng gốm Bát Tràng còn thu hút du khách, những người yêu gốm sứ Việt bởi Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt khi gắn liền với câu chuyện “lưu giữ - phát triển nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng”.

Lối kiến trúc mang âm hưởng nghề

Điều thú vị, từ trục chính vào làng Bát Tràng chạy song song với kênh Bắc Hưng Hải, nằm ngay tại cửa ngõ của làng Bát Tràng cổ là Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt, hay còn gọi là Bảo tàng gốm Bát Tràng với lối kiến trúc độc đáo, thể hiện nét đẹp truyền thống của nghề gốm nhưng vẫn mang trong mình hơi thở thời đại.

Kiến trúc tòa nhà được lấy cảm hứng từ những khối bàn xoay “vuốt gốm” truyền thống.

Công trình Bảo tàng gốm Bát Tràng được con người nơi đây nung nấu ý tưởng từ hơn 10 năm trước và chính thức hoàn thành phần xây dựng cơ bản năm 2018 trên diện tích 3.300 m2. Kiến trúc tòa nhà được lấy cảm hứng từ những khối bàn xoay “vuốt gốm” truyền thống, giao thoa, nhào nặn với những mặt cong đa diện, chuyển động mềm mại và tự do đã tạo nên công trình.

Lối kiến trúc thiết kế với 7 trụ xoay khổng lồ, kích thước và kiểu dáng không giống nhau tạo nên sự khác biệt rất riêng như chính nghề sản phẩm thủ công truyền thống gốm sứ. Hình ảnh những đường chỉ ngang trượt theo mặt cong như sự tiếp nối của dòng chảy sông Hồng, ngàn năm nay đã ôm trọn lấy làng gốm Bát Tràng từ bao đời.

Nói đến kiến trúc của Bảo tàng mang tính truyền cảm hứng nghề làm gốm, bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt, chia sẻ: “Du khách đến với Trung tâm ngay từ phía ngoài đã thấy được ngôn ngữ đầu tiên của nghề làm gốm Bát Tràng trong lối kiến trúc, đấy là công trình có 7 cái trụ xoay. 7 cái trụ xoay là 7 cái bàn xoay để vuốt  sản phẩm gốm bằng đất. Đây chính là ngôn ngữ của nghề gốm được thể hiện bằng kiến trúc, dẫn dắt kể câu chuyện về nghề làm gốm của làng Bát Tràng”.

Khu ươm tạo các ý tưởng thiết kế gốm cho các bạn sinh viên, du khách trải nghiệm của Trung tâm.

Tông màu chủ đạo của công trình được lấy cảm hứng từ màu nâu đất, chính là màu của đất sét - nguyên liệu sản xuất gốm truyền thống và cũng là màu của phù sa của dòng sông Hồng, bồi đắp nên sự trù phú, thịnh vượng cho làng nghề gốm Bát Tràng. Ở phía trong vị trí trung tâm, công trình lại được diễn đạt, tái hiện là lòng của một lò bầu cổ cách điệu dùng để nung gốm của các cụ ngày xưa và cũng có màu nâu đất.

Bà Vinh cho biết, trong lịch sử cha ông, làng Bát ra Thăng Long sản xuất gạch phục vụ cho việc xây dựng kinh thành và cả các công trình lăng tẩm của Cung đình Huế sau này và không khó hiểu khi nó trở thành niềm mơ ước của bao chàng trai: Ước gì anh lấy được nàng/Để anh mua gạch Bát Tràng về xây. Tại Trung tâm, con đường lát gạch phục chế lại theo phương thức sản xuất truyền thống được nối tiếp với các khối gốm kết hợp với thác nước tạo nên sự kết hợp giữa thủy và thổ (đất và nước) nhào nặn nên sản phẩm gốm thô.

Không gian trưng bày thể hiện tinh hoa nghề

Trung tâm được thiết kế với hai chức năng chính: là nơi trưng bày gia phả, hình ảnh, hiện vật về sự phát triển của 19 dòng họ ở Bát Tràng và nơi trưng bày các sản phẩm tinh hoa của Làng gốm Bát Tràng. Trong đó, độc đáo nhất là không gian của tầng 2; đây là nơi trưng bày các sản phẩm và sự hình thành của nghề gốm sứ Bát Tràng cho đến ngày nay.

Không gian tầng 2 của tòa nhà hình bàn xoay được trưng bày cố định và theo chuyên đề của Không gian nghề gốm Bát Tràng xưa & nay. Có thể nói, sau khi ra đời, không gian nghề gốm Bát Tràng Xưa & Nay là linh hồn của Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt; nơi lưu giữ những tinh hoa, hồn cốt của nghề sản xuất gốm Bát Tràng.

Không gian trưng bày với chủ đề nghề gốm Bát Tràng Xưa & Nay giúp cho du khách hiểu được sự hình thành và phát triển nghề gốm Bát Tràng cho đến ngày nay.

Xung quanh không gian là những bức vách, ngăn lò chất chồng sản phẩm gốm với gam màu nền đất chủ đạo, thỉnh thoảng lấp ló ánh sáng bập bùng của lò khi nung. Chính vì thế, du khách khi đến tham quan sẽ có cảm giác như đang đi vào lòng của lò gốm thủ công xưa.

Anh Đỗ Đình Tứ, khách tham quan không gian, cho biết: “Cá nhân tôi nghĩ, mỗi người khi về làng gốm Bát Tràng để du lịch hay tìm hiểu về nghề gốm sứ thì nên đến với không gian trưng bày của Bảo tàng gốm Bát Tràng, bởi nơi đây không chỉ trưng bày các sản phẩm gốm mà còn là nơi giới thiệu lịch sử hình thành cũng như phát triển của nghề làm gốm. Tham quan không gian, tôi mới hiểu được phần nào về con người, văn hóa người làng Bát Tràng và cuộc sống của họ gắn với nghề nung đất làm gốm ra sao...”.

Tổng diện tích tầng 2 dành cho trưng bày Bảo tàng là 500m2 nhưng lại “kể” với du khách nhiều chủ đề, câu chuyện về gốm sứ Bát Tràng khác nhau. Các chủ đề chính là “Sự hình thành nghề và làng gốm Bát Tràng”, “Câu chuyện về quy trình sản xuất gốm của làng Bát Tràng”, “Tôn vinh, giới thiệu về các sản phẩm của những nghệ nhân thuộc 19 dòng họ sản xuất gốm hiện nay của làng Bát Tràng”, “Không gian nghiên cứu về nghề gốm”...

Câu chuyện gìn giữ nghề, đưa thương hiệu ra thế giới

Với mong muốn tôn vinh nghề gốm, vinh danh quê hương, quảng bá các giá trị văn hóa của Làng gốm Bát Tràng, nhiều năm qua,Trung tâm luôn là “cầu nối” đưa những tinh hoa văn hóa nghề gốm tới du khách trong và ngoài nước. Nơi đây còn đào tạo, truyền nghề cho thế hệ trẻ của làng Bát Tràng, giúp họ duy trì và phát triển bền vững nghề gốm của cha ông.

Không những thế, Bảo tàng gốm Bát Tràng có một khu trại sáng tác để thu hút các nghệ nhân, nghệ sĩ, họa sỹ, những người yêu gốm và sân chơi này là nơi để họ thăng hoa, tạo nên những tác phẩm gốm độc đáo. Không chỉ vậy, để truyền nghề, truyền trải nghiệm làm gốm cho giới trẻ, nơi đây còn có khu dành cho ươm tạo các ý tưởng thiết kế gốm, giúp sinh viên Đại học Bách Khoa, Mỹ thuật Công nghiệp, Mỹ thuật Yết Kiêu... thực tập miễn phí.

Đồng thời, giúp  sinh viên có điều kiện hoàn thiện kiến thức học tại trường, có cơ hội tốt nhất được giao lưu với các thế hệ tiền bối bên trại sáng tác và hành nghề ngay tại vùng sản xuất gốm sứ nổi tiếng. Sự trải nghiệm đó còn dành cho tất cả du khách muốn được tham gia, muốn được khám phá về nghề gốm Bát Tràng.

Giữ nghề, phát triển nghề gốm là vậy và câu chuyện đưa thương hiệu gốm Bát Tràng ra với thế giới cũng rất quan trọng. Một trong những người tiên phong đưa thương hiệu gốm sứ Việt Nam vươn ra thế giới là bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt, hậu duệ đời thứ 15 của dòng họ Hà Hữu.

Bà Vinh cho hay: “Với chiến lược sản xuất ra các sản phẩm gốm sứ có tính thẩm mỹ cao, số lượng lớn, mẫu mã, kiểu dáng phong phú, phục vụ cho xuất khẩu là chính, chúng tôi từng bước đột phá trong công nghệ sản xuất và luôn tìm tòi, sáng tạo, học hỏi công nghệ mới. Tham gia nhiều hội chợ quốc tế tại nước ngoài để tham khảo, thiết kế thị trường, học hỏi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh ở Mỹ, Nhật, Đức, Italia, Australia, Trung Quốc... Ký hợp đồng với các họa sĩ, chuyên gia nước ngoài cùng với đội ngũ cán bộ của Công ty thiết kế kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường quốc tế”.

 

Khôi Đức - Lê Huy

Link nội dung: https://nguyentrungthanh.org/trung-tam-tinh-hoa-lang-nghe-viet-gin-giu-nghe-truyen-thong-lam-gom-lang-bat-trang-a32.html